Đào tạo Opera Việt Nam

Thời kì chia cắt hai miền

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (tiền thân là Trường Âm nhạc Quốc gia).

Trong những năm 1940, một nỗ lực đã được thực hiện để thành lập Nhạc viện Quốc gia đầu tiên. Những người sáng lập đã cố gắng phát triển một chương trình giảng dạy quần chúng bao gồm việc nghiên cứu ba loại âm nhạc: âm nhạc cổ điển phương Tây, âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc đại chúng. Chính quyền Việt Nam muốn nhấn mạnh âm nhạc truyền thống Việt Nam có thế mạnh hơn cả và khẳng định rằng người học phải biết những điều cơ bản về âm nhạc truyền thống trước khi chọn nhạc cổ điển phương Tây hoặc âm nhạc đại chúng Việt Nam, là một ý tưởng không được các trường âm nhạc sau này tuân theo. Mặc dù đã trải qua gần một năm lên kế hoạch, các vấn đề xã hội và chính trị đã ngăn cản việc thành lập nhạc viện này.[98]

Sau năm 1954, miền Bắc Việt Nam giành được hoà bình, Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đã nhanh chóng thành lập các trường đào tạo âm nhạc ở Trung ương và địa phương trên toàn miền Bắc, đồng thời lên kế hoạch lâu dài cho việc đào tạo những học sinh tài năng sang các nước có nền âm nhạc phát triển, kết hợp việc mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy.[19] Sự ra đời của Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 đã đánh dấu một mốc quan trọng cho công tác đào tạo, là nơi đào tạo được các nghệ sĩ có khả năng hát opera. Giảng dạy những khóa đầu tiên là các ca sĩ Việt Nam và một số cộng tác viên người nước ngoài. Khóa 1 do Quốc Hương giảng dạy, khóa hai có sự hợp tác của chuyên gia thanh nhạc Khương Gia Tường (Trung Quốc), khóa 3 có sự cộng tác của các giảng viên thanh nhạc đến từ Liên Xô.[99] Những ca sĩ như Quý Dương, Trần Hiếu, Mai Khanh đều là thế hệ giảng viên đã trực tiếp tiếp thu những tinh hoa trong nghệ thuật hát opera của thế giới và truyền dạy lại cho học trò của mình.[100]

Đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thành phố Sài Gòn đã thành lập một trường Âm nhạc năm 1956 sau khi đất nước bị chia cắt, và được đặt tên là Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tiền thân của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.[101] Cho đến trước năm 1975, các cơ sở đào tạo âm nhạc ở Sài Gòn không còn bắt buộc phải phục vụ mục đích chính trị.[102] Trong khi miền Bắc hướng tới đào tạo và sáng tác các hình thức âm nhạc phương Tây với nhạc cụ phương Tây như opera, giao hưởng thì miền Nam do Nghiêm Phú Phi làm hiệu trưởng Trường Quốc gia Âm nhạc có chủ trương đưa nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, cải lương,...[103] Tuy vậy, opera của các tác giả châu Âu vẫn xuất hiện trong chương trình đào tạo của Bộ giáo dục dưới chính quyền đương thời.[104] Chương trình học cho thấy học sinh sẽ được đào tạo về lịch sử âm nhạc phương Tây thông qua các vở opera. Ngoài ra, học sinh được luyện hát, luyện thanh với những tiểu phẩm của các tác giả châu Âu qua nhiều thời kỳ Cổ điển, Lãng mạn, âm nhạc đương đại.[104] Lĩnh vực ca, vũ, nhạc kịch cũng nằm trong nội dung sứ mệnh trao đổi văn hóa với nước ngoài của Trường Quốc gia Âm nhạc.[105]

Thời kì Liên Xô sụp đổ và thời kì Đổi Mới

Cuối thập niên 1980 của thế kỷ 20, hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ, khiến cho đội ngũ sinh viên và giảng viên thanh nhạc không có điều kiện đi học nước ngoài như trước. Sự cộng tác của chuyên gia nước ngoài với Việt Nam cũng trở nên ít dần. Công tác đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp hoàn toàn do giảng viên thanh nhạc Việt Nam đảm nhiệm.[106] Bước ngoặt lớn trong sự phát triển của đất nước chính là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. Những năm đầu của thời kỳ Đổi Mới, công tác đào tạo thanh nhạc tại chuyên nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội gặp phải khó khăn trong tuyển sinh, cũng như sự thống nhất về mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Từng có thời điểm khoa thanh nhạc của trường này gặp phải tranh cãi giữa hai luồng quan điểm, một ý kiến là đào tạo hát opera và một ý kiến là đào tạo hát nhạc nhẹ, từ đó dẫn đến có quan điểm cho rằng không nên học hát theo hệ thống kỹ thuật thanh nhạc châu Âu vì "sẽ ảnh hưởng không tốt đến giọng hát".[106]

Thế kỷ 21

Chương trình học

Tới những năm thập niên 2010, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp bước vào giai đoạn khó khăn chung của các trường đại học, các học viện âm nhạc và nhạc viện trong việc chạy theo yêu cầu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".[106] Cũng như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là những cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp hàng đầu ở Việt Nam, và đều có có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền âm nhạc tại quốc gia này.[107] Cũng trong thời kì này, đào tạo thanh nhạc Việt Nam tiếp thu thêm các mô hình đào tạo của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đào tạo thanh nhạc trình độ đại học 4 năm với mục tiêu đào tạo hát opera và thính phòng,[106] aria và romance là tác phẩm bắt buộc trong chương trình tốt nghiệp bậc đại học. Nhưng ngay trên thực tế, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc đào tạo opera chuyên sâu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.[43] Tại các cơ sở đào tạo thanh nhạc trên phạm vi toàn Việt Nam thập niên 2010, việc giảng dạy các aria trích từ các vở opera là điều bắt buộc kể cả đó là dòng opera hay nhạc thính phòng.[108] Khi xây dựng giáo trình dạy học, các nhà sư phạm thanh nhạc Việt Nam đã lựa chọn một số tác phẩm trong opera của các nhạc sĩ Nga đưa vào chương trình chính khóa. Hệ thống các bản aria trích trong các vở opera của Nga được đưa vào với số lượng lớn.[109]

Theo luận án tiến sĩ của tác giả Lê Thị Minh Xuân (2015), công tác đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam còn có những mặt hạn chế khiến không ít sinh viên tỏ ra không mặn mà với hát opera và hát thính phòng.[110] Nguyên nhân chủ quan đến từ việc người học chưa có thái độ và động cơ rõ ràng trong học tập, trong khi nguyên nhân khách quan được xem là do đội ngũ giảng viên thanh nhạc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức từ bậc đại học, cũng như có những vấn đề chưa bắt kịp được yêu cầu đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp trong giai đoạn mới.[111] Chương trình giảng dạy ít sử dụng các tiết mục trong opera Việt Nam, tài liệu về opera Việt Nam hầu như không phổ biến. Trong các cuộc thi học kỳ, thi tốt nghiệp, các giải thưởng chuyên nghiệp về thanh nhạc hay các chương trình biểu diễn âm nhạc, việc sử dụng các tiết mục thanh nhạc trong opera Việt Nam vẫn chỉ xuất hiện một cách không đáng kể.[21] Tình trạng sinh viên thanh nhạc ra trường không theo loại hình opera chiếm tới 70 đến 80%, dấy lên tình trạng "thừa mà vẫn thiếu" các nghệ sĩ opera diễn ra trong suốt nhiều năm qua.[112] Thậm chí, từng có một đề xuất trong luận án tiến sĩ của Tân Nhàn (2019) cho rằng với bậc đào tạo đại học, thời gian đào tạo chuyên ngành thanh nhạc chuyên nghiệp vẫn tiến hành 4 năm, riêng sinh viên sở hữu giọng Colorature Soprano (nữ cao màu sắc) trong lựa chọn đào tạo chất lượng cao được đề xuất học 5 năm với những yêu cầu riêng.[113]

Giảng viên và người học

Cũng theo Lê Thị Minh Xuân, đội ngũ giảng viên thanh nhạc tại các học viện âm nhạc và nhạc viện tại Việt Nam hoạt động trên cả lĩnh vực biểu diễn. Họ tham gia trên nhiều lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và biểu diễn. Thống kê từ nghiên cứu này chỉ ra, tính đến tháng 5 năm 2015, tổng số giảng viên thanh nhạc của 3 cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam là 27 người, bên cạnh đó là số lượng giảng viên thỉnh giảng đông đảo, được chia thành 6 thế hệ nối tiếp sự hình thành và phát triển trong suốt quá trình gần 60 năm đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.[114]

Năm 2015, Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên đưa ra nhận định rằng "nội dung giảng dạy thanh nhạc được tập trung vào các chuyên ngành đào tạo hát opera, hát thính phòng, hát ca khúc và ca khúc mang âm hưởng dân ca". Nội dung của 50 vở opera của thế giới đã được ông dịch và biên soạn trong gần 500 trang trong một cuốn sách có tựa đề "Lược sử opera" xuất bản năm 2011. Cuốn sách là tài liệu tham khảo đáng chú ý với đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cho người Việt Nam.[110] Ông cũng là người đứng ra biên soạn một giáo trình đại học thanh nhạc gồm các trích đoạn opera cho các giọng nữ cao (122 tác phẩm), nam cao (112 tác phẩm), nam trung trầm (116 tác phẩm) đã được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch nghiệm thu năm 2007.[115]

Theo nghệ sĩ ưu tú Lê Gia Hội, ông bày tỏ "sinh viên thời nay [2015] có nhiều lo toan cho cuộc sống đời thường nên không chuyên tâm với công việc học tập. Trình độ của sinh viên có phần giảm sút so với trước".[116] Dù vậy, không ít lần truyền thông đưa tin về những sinh viên học tập opera cổ điển có thành tích xuất sắc.[117] Đầu thập niên 2020, hội Âm nhạc Hà Nội chỉ ra trên thực tế đã xảy ra một khó khăn lớn khi dàn dựng nhạc kịch ở Việt Nam là diễn viên không thể đồng bộ cả ba kỹ năng cùng một lúc: hát, múa và diễn xuất. Tại thời điểm đó, tại đất nước này chưa có cơ sở đào tạo diễn viên nhạc kịch một cách có hệ thống mà nguồn diễn viên phải lấy từ những môi trường khác nhau.[44] Không ít sinh viên chưa thực sự "mặn mà" với chương trình giảng dạy hát opera và hát thính phòng. Thực tế khác cũng chỉ ra rằng các khoa thanh nhạc tại các cơ sở đào tạo âm nhạc Việt Nam luôn là khoa thu hút đông đảo người thi nhất mỗi năm, và hàng năm đều cho ra không ít ca sĩ của dòng thanh nhạc cổ điển. Tuy vậy, rất ít người trong số đó có thể phát triển và trở thành những nghệ sĩ opera "thực thụ".[118]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Opera Việt Nam https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://web.archive.org/web/20221003105919/https:/... https://www.worldcat.org/oclc/682149444 https://www.worldcat.org/title/682149444 https://www.google.com.vn/books/edition/Viet_Nam/m... https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://books.google.com.vn/books/about/Acting.htm... https://www.vnam.edu.vn/rs/Document/2015-LeThiMinh... https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/oper... https://web.archive.org/web/20230103052724/https:/...